Tôi đang trong một môi trường xã hội mà tốc độ vận hành của nó được tính bằng 1/100 của giây. Tôi đang bị bủa vây bởi vô số những rào cản: sự ô nhiễm môi trường sinh thái, sự vẫn đục của môi trường xã hội, sự tạp niệm của môi trường tâm linh. Tôi cảm thấy rất khó có cơ hội trong việc thiết lập mối tương giao với Thiên Chúa, với đồng loại và ngay cả với chính bản thân tôi.
Thánh Inhaxiô, Tổ Phụ Dòng Tên, đã để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý giá, đó là phương pháp Linh Thao giúp người ta gặp gỡ Chúa, tha nhân và nhận biết bản thân mình ngang qua sự tĩnh lặng. Đó cũng chính là cách thế mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta khi Ngài còn tại thế: trước và sau một ngày rao giảng, Ngài tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện và nghỉ ngơi.
Phương pháp này, hơn bao giờ hết, ngày càng cần thiết và phù hợp với chúng ta hôm nay. Bởi trong xã hội hiện tại, việc tách mình ra khỏi các mối tương quan xã hội trở thành một việc khó đến mức không thể. Quả thật, trong vòng 24 giờ tự tách mình khỏi các mối tương quan xã hội, các thành viên HĐMV Giáo xứ Thiên Thần, nhất là những người mới tham dự lần đầu, cảm thấy thời gian như cô đặc lại, như không chuyển dịch, đúng như người ta thường nói: “một ngày dài tựa ba thu”. Sau 24 giờ trải nghiệm trong môi trường lắng đọng, tĩnh lặng, mọi người lại khám phá được nhiều điều về bản thân, về người thân, về cộng sự, về cộng đồng, về xã hội và về sứ mệnh tìm kiếm để làm vinh danh Thiên Chúa hơn như những chia sẻ của các thành viên trước khi kết thúc buổi tĩnh tâm: Khám phá về cách thức lạ lùng nhưng lại rất tự nhiên mà Chúa đã gọi mọi người đến với sứ vụ tông đồ. Khám phá cách thức mà Chúa đã thu xếp cho từng người vượt qua những giới hạn tưởng chừng không vượt qua được. Khám phá cách thức mà Chúa đã thôi thúc nhiệt tâm và những khát vọng mà mọi người muốn vươn tới trong sứ vụ phục vụ cộng đồng để làm sáng danh Chúa hơn. Mỗi người một cách, không ai giống ai, rất kín đáo, lạ lùng mà lại rất tự nhiên, khác biệt nhưng không trái biệt, tất cả đều hướng về một đích: Để Chúa Được Vinh Danh Hơn và cộng đồng Giáo xứ được thăng tiến trong đời sống thiêng liêng.
Trong kỳ tĩnh tâm này, Cha Chánh xứ, đồng thời là người linh hướng cho kỳ tĩnh tâm đã nêu ba điểm suy niệm Lc 10,38-42; Mc 9,14-29; Mt 14,13-21. Đây là ba vấn đề cốt lõi cần thiết cho Sứ Vụ Tông Đồ Giáo Dân: Thái độ phục vụ, khả năng tương giao, ước muốn tận hiến.
Điểm 1 Chúa chấp nhận cả hai thái độ phục vụ: Lòng nhiệt thành, quan tâm chu đáo, không quản ngại hy sinh, vất vả của Mat-ta, sự mở lòng đón nhận, lắng nghe Chúa một trong thinh lặng của Maria. Tuy nhiên Chúa vẫn thích thái độ của Maria hơn, bởi vì, Đừng lo phải cho Chúa cái gì mà tốt hơn phải lắng nghe Chúa muốn gì. Chính sự Kết hợp cầu nguyện giúp cho các hoạt động tông đồ hăng say và hiệu quả hơn.
Điểm 2 Tương giao với Chúa và với tha nhân: Mấu chốt của hoạt động tông đồ giáo dân là giải quyết tốt mối tương giao với Chúa và với tha nhân. Muốn tương giao được phải biết nghe và biết nói, phải chữa lành được bệnh câm và điếc tinh thần, phải nghe được điều nên nghe, phải nói được điều nên nói. Lòng tin và sự cầu nguyện là hai liệu pháp linh diệu chữa bệnh câm điếc tâm hồn.
Điểm 3 Tinh thần tận hiến: Đừng sợ ít, đừng ngại về những hạn chế của bản thân, không ai có thể làm được gì nếu không có Chúa và không việc gì là không thể dưới bàn tay của Chúa. Như lời Cha Thánh Gioan Vianey đã từng nói: “Đến một hàm lừa trong tay Chúa còn hữu dụng huống gì nguyên cả con lừa”. Cứ giao cho Chúa những gì mình có, phần còn lại là việc của Chúa.
Thì ra, việc tĩnh lặng lại làm được nhiều hơn sự lo toan, hành động. Cái hữu dụng chính là cái khoảng trống trong một cái chai. Vậy điều cần làm là cho tâm hồn ta trở nên trống rỗng để Chúa có chỗ rót ân sủng của Ngài vào. Đó là điều mà linh đạo Dòng Tên đã khám phá: khoảng lặng không phải là điểm nghỉ ngơi thư giãn mà là lúc thu nạp năng lượng từ Chúa cho những hoạt động tiếp theo. Nghĩ đến đây, chúng ta càng thấm thía sự im lặng của Thánh Cả Giuse, cuộc đời Ngài là một chuỗi dài im lặng, nhưng đó không phải là sự lặng im tiêu cực, cam chịu, dỗi hờn, thờ ơ hay phản kháng, đó là sự im lặng chủ động tích cực, im lặng để nghe rõ tiếng Chúa hơn, im lặng để tìm cách thực hiện ý Chúa một cách kịp thời, đúng đắn và hiệu quả hơn. Im lặng chủ động, tích cực thật đúng là “Thương Hiệu” của Thánh cả Giuse mà mỗi người chúng ta phải noi theo, bắt chước. Amen.
Giáo xứ Thiên Thần
Tháng 11/2019
Phaolô Võ Công Nam